Ngày 06/4/2016, tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật tiếp cận thông tin. Luật tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Đây là luật rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Tóm lược một số nội dung cơ bản của Luật Tiếp cận thông tin:
1. Người có quyền tiếp cận thông tin
– Công dân Việt Nam:
+ Người đủ năng lực hành vi dân sự tự mình tiếp cận thông tin.
+ Người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật.
+ Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người giám hộ.
+ Người dưới 18 tuổi yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp luật về trẻ em và luật khác có quy định khác.
– Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có quyền: Yêu cầu cung cấp thông tin liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ.
2. Thông tin được tiếp cận:
Thông tin được tiếp cận là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra; được ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản.
3. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin
– Công dân có quyền:
+ Đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin.
+ Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời.
+ Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.
– Công dân có nghĩa vụ:
+ Tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.
+ Không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp.
+ Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
4. Cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin
– Cấp Trung ương:
+ Văn phòng Quốc hội
+ Văn phòng Chủ tịch nước
+ Văn phòng Chính phủ
+ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội
+ Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ…
– Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước
– Cấp tỉnh:
+ Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
+ Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…
– Cấp huyện, cấp xã:
+ Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
+ Ủy ban nhân dân cấp xã.
5. Thông tin công dân được tiếp cận, tiếp cận có điều kiện và không được tiếp cận
– Thông tin công dân được tiếp cận:
Công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận được tiếp cận có điều kiện.
– Thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện:
+ Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý.
+ Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý.
+ Thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.
+ Các thông tin nêu trên có thể được cung cấp nếu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng.
– Thông tin công dân không được tiếp cận:
+ Thông tin thuộc bí mật nhà nước.
+ Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
+ Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác.
+ Thông tin thuộc bí mật công tác.
+ Thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước.
+ Tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.
6. Cách thức tiếp cận thông tin
– Công dân được tự do tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước công khai hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.
– Cơ quan nhà nước công khai thông tin bằng cách:
+ Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
+ Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
+ Đăng Công báo.
+ Niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước và các địa điểm khác.
+ Thông qua việc tiếp công dân,
+ Thông báo họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.
+ Đối với người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua: Hệ thống phát thanh, truyền hình; tài liệu chuyên đề, tờ rơi, ấn phẩm; sinh hoạt cộng đồng…
+ Đối với người khuyết tật, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước thiết lập Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử có cung cấp chức năng cơ bản để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận thông tin…
– Công dân yêu cầu cung cấp thông tin bằng các hình thức:
+ Yêu cầu trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin.
+ Gửi yêu cầu thông qua mạng điện tử.
+ Gửi yêu cầu thông qua dịch vụ bưu chính, fax.
7. Thông tin được công khai
+ Văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước; thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách…
+ Đề án, kế hoạch, quy hoạch, chương trình, mục tiêu…
+ Thông tin về dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước…
+ Thông tin về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ theo quy định; thông tin về quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân, các loại quỹ…
+ Thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công…; thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn…
8. Thông tin được cung cấp theo yêu cầu
Thông tin liên quan đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người yêu cầu cung cấp thông tin nhưng không thuộc loại thông tin phải được công khai, không thuộc loại thông tin không được cung cấp.
9. Trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin
– Người yêu cầu có thể yêu cầu cung cấp thông tin bằng các hình thức sau đây:
+ Trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến trụ sở của cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin.
Người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm hướng dẫn người yêu cầu điền các nội dung vào Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin.
Trường hợp người yêu cầu cung cấp thông tin không biết chữ hoặc bị khuyết tật không thể viết yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin có trách nhiệm giúp điền các nội dung vào Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin.
+ Gửi Phiếu yêu cầu qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax đến cơ quan cung cấp thông tin.
– Cơ quan nhà nước có trách nhiệm, quyền hạn:
+ Tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin.
+ Thông báo về thời hạn, địa điểm, hình thức, chi phí cung cấp thông tin. + Thu chi phí tiếp cận thông tin.
+ Từ chối cung cấp thông tin.
10. Thời hạn cung cấp thông tin theo yêu cầu
– Cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin:
+ Cung cấp ngay đối với thông tin đơn giản, có sẵn.
+ Chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ đối với thông tin phức tạp, không có sẵn mà cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc thông tin cần thiết phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị khác (có thể gia hạn nhưng tối đa không quá 10 ngày làm việc).
– Cung cấp thông tin qua mạng điện tử:
+ Chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ đối với thông tin đơn giản, có sẵn có thể cung cấp ngay.
+ Chậm nhất là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ đối với thông tin phức tạp, không có sẵn mà cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc thông tin cần thiết phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị khác (có thể gia hạn nhưng tối đa không quá 15 ngày ).
– Cung cấp thông tin qua dịch vụ bưu chính, fax:
+ Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ đối với thông tin đơn giản, có sẵn có thể cung cấp ngay.
+ Chậm nhất là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ đối với thông tin phức tạp, không có sẵn mà cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc thông tin cần thiết phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị khác (có thể gia hạn nhưng tối đa không quá 15 ngày).
11. Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin
– Nội dung phiếu yêu cầu cung cấp thông tin dành cho công dân: Theo mẫu số 01a ban hành kèm theo Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin.
– Nội dung phiếu yêu cầu cung cấp thông tin qua tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp: Theo mẫu số 01b ban hành kèm theo Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin.
12. Các trường hợp từ chối yêu cầu cung cấp thông tin
+ Thông tin công dân không được tiếp; thông tin không đáp ứng điều kiện về tiếp cận có điều kiện.
+ Thông tin được công khai, trừ trường hợp: Thông tin trong thời hạn công khai nhưng chưa được công khai; thông tin hết thời hạn công khai theo quy định của pháp luật; thông tin đang được công khai nhưng vì lý do bất khả kháng người yêu cầu không thể tiếp cận được.
+ Thông tin được yêu cầu không thuộc trách nhiệm cung cấp.
+ Thông tin đã được cung cấp hai lần cho chính người yêu cầu, trừ trường hợp người yêu cầu có lý do chính đáng.
+ Thông tin được yêu cầu vượt quá khả năng đáp ứng hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan.
+ Người yêu cầu cung cấp thông tin không thanh toán chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin qua dịch vụ bưu chính, fax.
13. Chi phí tiếp cận thông tin
– Không phải trả chi phí nếu: Yêu cầu cung cấp thông tin qua mạng điện tử, trực tiếp đọc/nghe/xem/ghi chép thông tin tại trụ sở cơ quan.
– Phải trả chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin trước khi được cung cấp thông tin.
14. Các tài liệu có liên quan:
– Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
– Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin.
– Thông tư số 46/2018/TT-BTC ngày 14/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết chi phí thực tế để in, sao, chụp và gửi thông tin theo quy định tại khoản 2, Điều 12, Luật Tiếp cận thông tin.
– Sổ tay hướng dẫn Luật Tiếp cận thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Xem chi tiết
Bài viết liên quan: